Giáo dụcHọc thuật

Hướng dẫn chi tiết 10 kỹ thuật đá bóng cơ bản & cách áp dụng trong trận đấu hiệu quả

20
Hướng dẫn chi tiết 10 kỹ thuật đá bóng cơ bản & cách áp dụng trong trận đấu hiệu quả
Nội dung bài viết

Kỹ thuật đá bóng là yếu tố quan trọng giúp bạn phối hợp hỗ trợ đồng đội linh hoạt đồng thời dễ dàng ghi bàn trong mọi trận đấu. Chi tiết các kỹ thuật cơ bản sẽ được hướng dẫn trong bài viết này!

10 Kỹ thuật đá bóng cơ bản cần học đầu tiên

Với người bắt đầu mới làm quen các kỹ thuật đá bóng, bạn cần nắm được chuỗi động tác cơ bản dưới đây:

Hướng dẫn kỹ thuật khởi động đá bóng

Kỹ thuật đầu tiên cũng là bài tập mở đầu cho mọi buổi rèn luyện là khởi động. Thực hiện đúng và kỹ bài tập này, con sẽ hạn chế chấn thương và giảm đau cơ trong những buổi học làm quen. Các bài tập này bao gồm:

Động tác 1: Chạy tại chỗ hoặc nâng cao đùi

  • Nâng cao đùi phải, đưa 2 tay hướng về phía ngược lại.
  • Quay lại vị trí ban đầu.
  • Đổi bên, nâng cao đùi trái và đưa 2 tay sang bên phải. Các động tác cần thực hiện đều nhịp, tăng dần từ chậm đến nhanh sao cho phù hợp với thể trạng.

Động tác 2: Chạy bộ chậm

  • Giữ người với tư thế đầu và thân người giữ thẳng tự nhiên. 
  • Thả lỏng các cơ khi chạy, đặc biệt là cơ vai.
  • Khi chạy, đặt chân xuống đất bằng cả bàn chân, bắt đầu từ gót rồi đến mũi bàn chân và hướng thẳng về trước.

Động tác 3: Xoay người

  • Xoay các khớp nối như hai đầu gối, hông, vai, cổ tay, cánh tay, cổ chân theo chiều kim đồng hồ và ngược lại.
  • Xoay nửa thân trên: Đứng thẳng, hai chân dang rộng bằng vai, đặt 2 tay ngang hông và giữ cho chân thẳng. Tiếp đó, gập thân về phía trước, xoay tròn từ trái sang phải, từ trước ra sau & lặp lại nhiều lần.

Động tác 4: Kéo giãn cơ

  • Tay phải nắm lấy cổ chân phải, cố gắng kéo căng người, sau đó trở về vị trí ban đầu.
  • Đổi bên và thực hiện tương tự.

Động tác 5: Ép thẳng

  • Bước chân phải dài lên phía trước.
  • Dần dần hạ thấp người sao cho chân phải tạo 1 góc 90 độ. Chân trai duỗi thẳng và 2 tay đặt lên gối phải. Đẩy trọng lượng cơ thể xuống vài nhịp.
  • Đổi chân và thực hiện tương tự

Kỹ thuật đá bóng cho người mới tập: Tâng bóng cơ bản

Là một trong những kỹ thuật quan trọng, các con cần luyện tập kỹ thuật tâng bóng thường xuyên để luyện kiểm soát bóng. Kỹ thuật này cũng hỗ trợ duy trì thăng bằng và tăng cảm giác cho đôi chân một cách hiệu quả.

Để tâng bóng dễ dàng, người chơi cần nắm vững các điểm cấu thành nên kỹ thuật tâng bóng cơ bản như sau:

  • Cần quan sát được quỹ đạo bay của bóng, phán đoán được điểm bóng rơi, tốc độ bóng rơi.

  • Chọn vị trí chuẩn xác để thực hiện động tác đỡ bóng rồi tâng bóng

  • Xác định tư thế chuẩn bị đúng với mỗi kỹ thuật tâng bóng

  • Thực hiện động tác tâng bóng từ cơ bản đến nâng cao.

Có 5 bài tập tâng bóng cơ bản trong kỹ thuật này gồm:

Tâng bóng bằng mu bàn chân

Tâng bóng bằng mu bàn chân. (Ảnh: Internet)

  • Bước 1: Chân trụ hơi khuỵu, chuyển trọng tâm cơ thể sang chân trụ

  • Bước 2: Khi bóng rơi ngang đầu gối thì khớp gối và cổ chân thả lỏng

  • Bước 3: Vung nhẹ nhàng cẳng chân từ dưới lên trên

  • Bước 4: Mũi bàn chân hơi cong lên phía trước

  • Bước 5: Dùng mu bàn chân đá nhẹ và phần dưới quả bóng để bóng nảy lên

  • Bước 6: Lặp đi lặp lại các bước trên để tập tâng bóng bằng mu bàn chân

Tâng bóng bằng má ngoài

Tâng bóng bằng má ngoài. (Ảnh: Internet)

  • Bước 1: Chân trụ hơi khuỵu đầu gối, người ngả về phía chân trụ và chuyển trọng tâm sang chân trụ.

  • Bước 2: Khi bóng rơi xuống ngang đầu gối thì chân tâng bóng nâng đầu gối lên và lắc má ngoài bàn chân lên phía trên để đá vào phần dưới của bóng để bóng tâng bóng lên.

  • Bước 3: Lặp đi lặp lại các bước trên cho đến khi thuần thục cách tâng bóng bằng má ngoài bàn chân

Tâng bóng bằng má trong

Tâng bóng bằng má trong. (Ảnh: Internet)

  • Bước 1: Chân trụ hơi khuỵu, chuyển trọng tâm cơ thể sang chân trụ

  • Bước 2: Khi bóng rơi ngang đầu gối thì chân tâng bóng nhấc đầu gối, đồng thời lắc má trong lòng bàn chân lên phía trên rồi dùng má trong lòng bàn chân đá nhẹ vào phần dưới quả bóng để tâng bóng lên trên.

  • Bước 3: Thực hiện các bước trên nhiều lần cho hai chân

Tâng bóng bằng đầu

Tâng bóng bằng đầu. (Ảnh: Internet)

  • Bước 1: Tư thế một chân trước, chân sau, dồn trọng tâm cơ thể vào cả 2 chân, hơi khuỵu gối. Cơ thể hơi ngả về phía sau, hướng phần trán lên trên, hai tay thả lỏng

  • Bước 2: Khi bóng rơi xuống gần trán, thực hiện nhún thân trên cùng hai chân và đẩy người lên phía trên sao cho điểm tiếp xúc là trán và phần dưới bóng.

Tâng bóng bằng đùi

Tâng bóng bằng đùi. (Ảnh: Internet)

  • Bước 1: Chân trụ là chân để dồn lực trọng tâm cơ thể

  • Bước 2: Khi bóng rơi đến ngang hông thì bạn dùng lực nâng đùi lên và tiếp xúc tâng quả bóng lên cao.’

Kỹ thuật đỡ bóng (Khống chế bóng)

Thông qua kỹ thuật đỡ bóng cơ bản, cầu thủ dễ dàng thực hiện những đường chuyền chuẩn, qua người khéo léo hoặc ghi bàn chính xác. Trái lại, nếu thực hiện không tốt có thể làm mất bóng vào đối phương.

Đỡ bóng gồm 2 bài tập chính: khống chế bóng sệt và khống chế bóng bổng. Cách thực hiện như sau:

Khống chế bóng sệt

Trong động tác này, cầu thủ thường dùng lòng bàn chân, má ngoài hoặc gầm giàu để thực hiện khống chế bóng bằng cách: Dùng chân tiếp xúc bóng, đồng thời chân hơi thả lỏng để bóng không bị nảy ra xa. Khi bóng nằm trong tầm kiểm soát thì kéo nhẹ chân về nhằm tạo lực hãm giúp bóng nảy ra theo ý muốn.

Kỹ thuật khống chế bóng sệt. (Ảnh: Internet)

Khống chế bóng bổng

Kỹ thuật này được áp dụng khi bắt các đường chuyền dài vượt tuyến từ đồng đội hoặc khi bóng rơi tự do. Dựa vào phán đoán tầm bóng rơi, cầu thủ có thể chọn mu bàn chân, má trong, má ngoài, đùi hoặc ngực để khống chế bóng.

Cách thực hiện: Xác định điểm rơi của bóng và cân nhắc dùng má trong, má ngoài hay mu bàn chân để chặn bóng, đồng thời rút chân về để tạo lực hãm.

Kỹ thuật khống chế bóng bổng. (Ảnh: Internet)





Song song với phát triển thể lực, ba mẹ hãy cùng con chuẩn bị kiến thức cơ bản cho bộ 3 môn quan trọng Toán – Tiếng Việt – Anh giúp bé phát triển tư duy & thể chất đồng đều. Xem trọn bộ tài liệu  

Kỹ thuật dẫn bóng 

Bằng bài tập dẫn bóng, các bạn học đá bóng dễ dàng chuyền bóng đến chuẩn mục tiêu và có thêm cơ hội ghi bàn cho đội mình. Có 3 kỹ thuật dẫn bóng như sau:

Kỹ thuật 1: Dẫn bóng bằng mu giữa bàn chân

  • Tư thế dẫn bóng bình thường, thân hơi đổ về phía trước. 

  • Bước chân vừa phải, không nên quá rộng.

  • Chân dẫn bóng nhấc lên, khớp gối hơi rộng, khớp hông đưa về phía trước. Mũi bàn chân tiếp xúc vào giữa bóng và đẩy bóng về phía trước. Nên dùng lực vào bóng tùy mục đích dẫn khác nhau.

Các kỹ thuật dẫn bóng. (Ảnh: Internet)

Kỹ thuật 2: Dẫn bóng bằng mu ngoài bàn chân

  • Tư thế dẫn bóng chạy bình thường, người hơi đổ về phía trước. 
  • Dùng mu bàn chân ngoài tiếp xúc vào giữa bóng và đẩy bóng đi. Lưu ý dùng lực vào bóng tùy mục đích dẫn khác nhau, sau đó chuyền hoặc sút.

Kỹ thuật 3: Dẫn bóng bằng mu trong bàn chân

  • Tư thế dẫn bóng hơi nghiêng sang 1 bên, khi dẫn bóng hơi gập gối.

  • Bẻ mũi bàn chân ra ngoài, mu trong bàn chân trực diện với hướng bóng trước khi dẫn bóng chạm đất. Sau đó, dùng mu bàn chân để dẫn bóng theo ý định.

Các kỹ thuật dẫn bóng sẽ giúp người chơi thực hiện tốt các động tác: Hất bóng, kéo bóng, chặt bóng và dích bóng lên.

Những kỹ thuật di chuyển trong bóng đá

Nguyên lý trong kỹ thuật di chuyển bóng đá đỉnh cao gồm: Chạy – dừng đột ngột – chuyển thân – bật nhảy – đi bộ. Khi thi đấu, các kỹ thuật chạy chỗ trong đá bóng sân 7 người đóng vai trò quan trọng bởi hầu hết thời gian trên sân, các cầu thủ đều hoạt động không bóng – các kỹ thuật mà cầu thủ sử dụng trong điều kiện không khống chế bóng.

Tập luyện những kỹ thuật di chuyển trong bóng đá. (Ảnh: Internet)

Kỹ thuật chạy

  • Gồm các bài tập: Chạy thường, chạy giật lùi, chạy đường vòng, chạy ziczac,…

  • Khi chạy, trọng tâm đặt thấp, bước chạy ngắn, tay đánh rộng sang ngang nhiều hơn so với vận động viên điền kinh.

  • Động tác chạy giật lùi, chạy nghiêng không cần nhanh nhưng đòi hỏi phải có sự phối hợp linh hoạt, thoải mái.

Kỹ thuật dừng đột ngột

  • Đòi hỏi cầu thủ phải sử dụng toàn lực để chân bám chặt trên mặt đất, khi đó gối và trọng tâm hạ thấp để trọng tâm hướng về phía ngược với hướng đang di chuyển 1 độ nghiêng nhất định.

  • Bàn chân dùng lực đạp đất, cơ thể hạ thấp để giảm quán tính và lực xông về phía trước.

Kỹ thuật chuyển thân

Trong một trận đấu luôn có sự thay đổi luân phiên giữa tấn công và phòng thủ, giữa vị trí của các cầu thủ và bóng, vì vậy để theo kịp những diễn biến xảy ra, cầu thủ cần phải linh hoạt chuyển thân nhanh ở mỗi tình huống cụ thể.

Kỹ thuật bật nhảy

  • Đây là một hình thức thực hiện tranh chấp bóng trên không. Kết quả tranh bóng phụ thuộc vào sức bật tốc độ chạy đà, dậm nhảy, năng lực phán đoán điểm rơi và thời gian dậm nhảy.

  • Bật nhảy gồm 2 động tác: Dậm nhảy bằng 1 chân & dậm nhảy bằng cả 2 chân.

Kỹ thuật đi bộ

Là kỹ thuật đơn giản giúp người chơi tranh thủ nghỉ ngơi & phục hồi sức lực. Trong khi đi bộ, các cầu thủ có thể quan sát, phán đoán để lựa chọn vị trí phù hợp & lập tức hòa nhập vào tình huống trên sân một cách dễ dàng.

Một số sai lầm thường mắc & Cách sửa trong kỹ thuật di chuyển

Các lỗi sai thường gặp gồm:

  • Khi dừng đột ngột hoặc chuyển thân, người không ngả ra sau nên không dừng lại được ngay và dễ mất thăng bằng.

  • Không quan sát diễn biến trên sân khi di chuyển.

  • Trong khi di chuyển ngang hoặc ziczac, phối hợp toàn thân không nhịp nhàng.

Cách sửa lỗi:

  • Thực hiện kỹ thuật với tốc độ chậm.

  • Thực hiện các bước lướt nhiều lần với tốc độ chậm.

  • Tập phối hợp di chuyển với đồng đội.

  • Tập di chuyển với bóng.

Kỹ thuật đá bóng bằng lòng bàn chân

Đây là kỹ thuật dùng phần bên trong của lòng bàn chân từ cổ chân tới đốt xương ngón chân cái để đá bóng đi. Nguyên lý kỹ thuật gồm: Chạy đà – đặt chân trụ – vung chân lăng – tiếp xúc bóng. Kỹ thuật sút bóng mạnh và chính xác này được áp dụng ở cự ly gần hoặc đá phạt đền, được chia thành:

Các giai đoạn trong kỹ thuật đá bóng bằng lòng bàn chân. (Ảnh: SGK GDTC 10)

Đá bóng nằm tại chỗ

  • Bước 1: Chạy đà thẳng với hướng bóng.

  • Bước 2: Đặt chân trụ

  • Bước 3: Vung chân lăng

  • Bước 4: Tiếp xúc bóng

  • Bước 5: Kết thúc

Đá bóng lăn sệt

  • Đá bóng lăn từ phía trước tới: Phán đoán thời điểm vung chân & vị trí bóng lăn tới để tiếp xúc bóng chính xác.

  • Đá bóng đang lăn về trước: Chân trụ nên đặt về phía trước quả bóng.

  • Trường hợp bóng lăn từ các bên tới về phía chân trụ thì nên đặt chân trụ hơi xa về phía bên của bóng. 

Đá bóng nửa nảy

  • Đá ngay những pha bóng từ trên cao rơi xuống vừa nảy từ đất lên mà không làm động tác giữ bóng.

  • Cần phán đoán tốc độ bay và điểm rơi của bóng, từ đó nhanh chóng di chuyển chọn vị trí cho việc đặt chân trụ.

Hướng dẫn luyện tập sút bóng căng bằng lòng bàn chân cơ bản

Để luyện tập kỹ thuật đá bóng bằng lòng bàn chân, bạn nên tự mô phỏng không bóng tại chỗ, thực hiện động tác đánh lăng, xoay bẻ bàn chân ra ngoài. Cụ thể:

  • Vẽ đường chạy, điểm đặt bóng, xác định chân trụ. Sau đó, thực hiện kỹ thuật chạy đà, đặt chân trụ, vung chân lăng.

  • Đặt bóng chết: Dùng gầm bàn chân đè lên phía trước của bóng, người kia tập chạy đà, đặt chân trụ rồi tiếp xúc bóng.

  • Đặt bóng chết: Đá vào các điểm cố định trên tường và tập từ chậm đến nhanh, từ nhẹ, gần tăng dần cự ly và lực đá.

  • Tập 2 người hoặc nhiều người để kết hợp di chuyển & đá các loại bóng đang lăn sệt.

  • Tập sút cầu môn với bóng chết & các loại bóng đang lăn sệt.

Một số sai lầm & Cách sửa lỗi

Sai lầm & cách sửa lỗi trong kỹ thuật đá bóng bằng lòng bàn chân. (Ảnh: Internet)

Những sai lầm thường gặp gồm: 

  • Đặt chân trụ quá xa bóng

  • Chân trụ đặt quá cao hoặc quá thấp với bóng

  • Mũi bàn chân trụ không trùng với hướng đá bóng đi

  • Trọng tâm không dồn vào chân trụ và mất thăng bằng khiến bóng đi không chính xác.

  • Gối không mở ra ngoài làm cho bàn chân không vuông góc với chân trụ nên điểm tiếp xúc của bàn chân không đi qua tâm bóng làm cho bóng xoáy và bay lệch hướng.

  • Thân trên ngả về phía trước & sau quá nhiều nên bóng không đi theo ý muốn.

Cách sửa lỗi:

  • Nắm vững khái niệm về kỹ thuật chính xác cho người mới tập. Luyện tập mô phỏng nhiều lần động tác chạy đà, đặt chân trụ và tiếp xúc bóng.

  • Bố trí tập theo nhóm để cùng sửa chữa động tác sai.

  • Tập đá bóng chết rồi lăn sệt vào các mục tiêu cố định trên sân & trên tường.

Kỹ thuật đá bóng bằng mu bàn chân

Nguyên lý kỹ thuật: Chạy đà lệch 45 độ – đặt chân trụ – vung chân trụ – tiếp xúc bóng.

Kỹ thuật đá bóng bằng mu trong bàn chân

Nguyên lý: Đá bóng nằm tại chỗ – đá bóng đang lăn sệt

Đá bóng nằm tại chỗ

  • Cầu thủ cần chạy đà với hướng bóng khoảng 45 độ.

  • Chạy tăng dần tốc độ, bước chạy ngắn với tần số cao để điều chỉnh ở bước đặt chân trụ.

  • Bắt đầu đá lăng chân bằng cách lấy khớp hông làm trụ, dùng đùi vung cẳng chân từ sau ra trước. Vùng tiếp xúc với bóng được tính từ ngón chân cái tới phía trong mu bàn chân của bạn.

  • Sau khi sút bóng, tiếp tục chạy về phía trước để giảm tốc độ cơ thể.

Cách đá bóng nằm tại chỗ bằng mu giữa bàn chân. (Ảnh: SGK GDTC 10)

Đá bóng đang lăn sệt

  • Bước đầu cần căn hướng bóng lăn, phán đoán tốc độ rồi chọn vị trí thích hợp sao cho đúng điểm đặt chân trụ khi tiếp xúc bóng.

  • Mũi bàn chân trụ hướng thẳng với hướng bóng lăn, đầu gối hơi khụy thấp & thân người nghiêng về trước một bên với bóng.

Hướng dẫn tập luyện

  • Với người mới tập, bạn nên tập không bóng ở giai đoạn chạy đà & đặt chân trụ.

  • Tập đá bóng tại chỗ bằng mu bàn chân vào các điểm cố định hay cầu môn với cự ly khác nhau.

  • Tập 2 người chuyền bóng cho nhau với bóng nằm tại chỗ & bóng lăn sệt với các tình huống đa dạng.

Kỹ thuật đá bóng bằng mu giữa bàn chân (mu chính diện)

Ưu điểm của kỹ thuật này là tạo đường bóng căng, mạnh, có độ chính xác cao đồng thời giúp người chơi chuyền bóng, sút bóng mạnh & chính xác dễ dàng. Nguyên lý & cách thực hiện như sau:

Kỹ thuật đá bóng bằng mu giữa bàn chân. (Ảnh: SGK GDTC 10)

  • Chạy đà: Chạy thẳng hướng bóng, hơi chếch 5 – 10 độ, tăng dần tốc độ với bước chân dài.

  • Chân trụ: Đặt chân trụ cách bóng 10 – 15cm, lần lượt đặt từ gót chân, má ngoài và cả bàn chân. Mũi chân trụ thẳng với hướng sút bóng, đầu gối hơi khuỵu, toàn bộ trọng tâm cơ thể dồn vào chân trụ.

  • Chân lăng: Vung chân lăng từ phía sau về trước, tốc độ vung chân & chạy đà là 2 yếu tố quyết định lực sút bóng.

  • Tiếp xúc bóng: Điểm tiếp xúc là giữa bàn chân với tâm bóng.

  • Kết thúc: Chạy thêm 1 vài bước về phía trước & giảm dần tốc độ.

Kỹ thuật đá bóng bằng mu ngoài bàn chân

Kỹ thuật này còn được gọi là kỹ thuật đá má ngoài được sử dụng để chuyền bóng ở cự ly ngắn, dứt điểm ghi bàn với những cú sút đẹp như xoáy hoặc lạng lách. Thực hiện kỹ thuật này cần qua 5 bước:

Kỹ thuật đá bóng bằng mu ngoài bàn chân. (Ảnh: Internet)

  • Chạy đà: Chân thẳng với hướng bóng & tăng dần tốc độ, bước cuối dài.

  • Chân trụ: Đặt ngang hàng với bóng khoảng 10 – 15 cm. Mũi chân trụ thẳng với hướng sút bóng, đầu gối hơi khuỵu, toàn bộ trọng tâm cơ thể dồn vào chân trụ.

  • Chân lăng: Vung chân lăng từ phía trước ra sau. Tốc độ vung chân càng mạnh thì lực sút càng cao. Mũi bàn chân xoay về phía chân tiếp theo chạm được tính từ ngón chân út đến mắt cá ngoài của bàn chân. Lên gân & giữ chắc cổ chân.

  • Tiếp xúc bóng: Tâm bóng là điểm tiếp xúc được tính từ ngón chân út đến mắt cá ngoài bàn chân.

  • Kết thúc: Chạy thêm 1 vài bước về phía trước & giảm dần tốc độ.

Kỹ thuật đánh đầu

Đây là kỹ thuật trong bóng đá giúp tạo các tình huống bất ngờ cho đối phương và sẽ được thực hiện qua 3 bước:

Kỹ thuật đánh đầu tại chỗ trong bóng đá. (Ảnh: SGK GDTC 10)

  • Bước 1: Quan sát trái bóng trước khi nhảy, chuyển dịch đến tư thế sẵn sàng bay, sau đó nhảy lên bằng 2 chân.

  • Bước 2: Tạo lực nhảy bằng cách uốn đầu gối, cong lưng, đẩy mạnh đầu & thân về phía điểm chạm bóng, giữ cơ cổ căng cứng. Sử dụng tay để giữ thăng bằng vì bạn sẽ không đứng trên mặt đất trong hầu hết các pha đánh đầu. Cần lưu không đưa tay quá cao để tránh bị phạt.

  • Bước 3: Ở vị trí nhảy cao nhất, chạm bóng bằng trán và thực hiện pha đánh đầu quyết đoán.

Các kỹ thuật đá bóng cơ bản: Động tác giả

Động tác giả dựa trên nguyên tắc cơ bản là sự thay đổi bất ngờ: Đặc điểm hoạt động của cầu thủ, nhịp điệu hoàn thành động tác, tốc độ di chuyển, sự thay đổi phương hướng động tác đột ngột, vọt chạy, dừng, quay người… với tốc độ nhanh.

Động tác giả gồm 2 dạng: Động tác giả có bóng và động tác giả không bóng.

Kỹ thuật động tác giả trong học đá bóng. (Ảnh: Internet)

Động tác giả có bóng

Bao gồm những động tác giả mà cầu thủ đang có bóng tìm cách để vượt qua sự đối kháng của đối phương. Một mặt, cầu thủ phải làm động tác giả, mặt khác phải bảo vệ được bóng nên so với động tác giả không bóng thì khó hơn.

Ví dụ:

  • Vờ ngả đầu để đánh bóng về phía trước khi nhận bóng chuyền tới: Bóng chuyền bổng bay tới cầu thủ A. Hậu vệ B lao phía trước tới cướp bóng. A ngả người về phía sau làm tư thế chuẩn bị đánh đầu đưa bóng về phía trước. Động tác đó làm B lưỡng lự trong việc tấn công và dừng lại để đón đầu bóng A đánh đầu đi. Khi đó, A dùng ngực ưỡn bóng lại và bắt đầu dẫn bóng.

  • Vờ vung chân đá bóng khi đối phương ở trước mặt: Đối phương chạy tới trước cầu thủ có bóng, khi đối phương tấn công sát (cách 1,5 – 2m) tiền đạo có bóng làm động tác vung chân và dùng điệu bộ, vẻ mặt của mình, tỏ ra định sút mạnh bóng về  phía trước. Khi đối phương vội vã xông vào tranh bóng hay sợ hãi bởi cú sút rất mạnh, quay lưng né tránh thì tiền đạo bình tĩnh gạt bóng sang hướng khác, dẫn bóng qua.

Động tác giả không bóng

Là những động tác giả được thực hiện trước khi tiếp xúc bóng và khống chế bóng. Làm động tác giả không bóng nhằm giành được bóng hoặc đánh lừa đối phương để khống chế và xử lý tốt hơn.

Ví dụ:

  • Thủ môn làm động tác giả của thân và tay trước lúc đối phương sút phạt đền. Khi đối phương sắp sút bóng, cầu thủ ngả về một bên làm người đá phạt do dự, đổi hướng sút bóng, ảnh hưởng đến độ chính xác. 

  • Hậu vệ muốn tranh cướp bóng bên trái trong chân đối phương đang dẫn bóng. Cầu thủ này giả tranh cướp bóng bên phải làm đối phương tưởng thật bèn chuyển bóng sang bên trái. Do có sự chuẩn bị trước là tranh cướp bên trái nên hậu vệ đã kịp thời phá được quả bóng đó.





Song song với phát triển thể lực, ba mẹ hãy cùng con chuẩn bị kiến thức cơ bản cho bộ 3 môn quan trọng Toán – Tiếng Việt – Anh giúp bé phát triển tư duy & thể chất đồng đều. Xem trọn bộ tài liệu  

Kỹ thuật đá bóng cơ bản : Bắt bóng

Đây là kỹ thuật dành riêng cho các bạn ở vị trí thủ môn với 4 động tác chính: Bắt bóng xoáy, bắt bóng sát mặt đất, bay người bắt bóng & bắt bóng từ những quả tạt bổng.

Bắt bóng xoáy

Cách tốt nhất để thực hiện kỹ thuật này là quỳ trên đầu gối của 1 chân & ôm gọn bóng trong tay. Để bóng không lọt qua khe giữa 2 chân thì bạn phải đặt chân còn lại gần sát với đầu gối chân kia. Khi bóng áp sát vào ngực, bạn hãy nghiêng về phía trước để đảm bảo bóng an toàn.

Kỹ thuật bắt bóng xoáy bằng cách quỳ 1 chân. (Ảnh: SGK GDTC 10)

Bắt bóng sát mặt đất

Nâng đầu gối của chân cách xa bóng hơn & ngả người về phía bóng đang lao tới. Khi bắt bóng, đặt cánh tay gần bóng nhất song song mặt đất với ngón cái & ngón trỏ làm thành phân nửa hình chữ W, đồng thời dùng tay còn lại ghì bóng xuống mặt đất.

Bay người bắt bóng

Để thực hiện, bạn cần nâng đầu gối của chân cách xa bóng hơn & ngả người về phía bóng đang lao tới. Khi bạn đang bay thì đầu gối ở chân trên sẽ linh hoạt trong khi chân còn lại duỗi thẳng. Khi bắt bóng, hãy để tay ở trên quả bóng & tận dụng bóng để tiếp xúc đất an toàn bằng cách để bóng chạm đất trước cơ thể của bạn.

Luyện tập bắt bóng theo nhóm. (Ảnh: SGK GDTC 10)

Bắt bóng từ những quả tạt bổng

Trong pha bắt bóng này, thủ môn cần là người đầu tiên chạm bóng vì họ có lợi thế chơi bóng bằng tay. Cách thực hiện như sau: Dùng 1 chân để bật lên trong khi đầu gối của chân còn lại co lên càng cao càng tốt. Khi đã cầm chặt bóng thì nhanh chóng áp sát bóng vào ngực và nghiêng người về phía trước.

Kỹ thuật ném biên bóng đá

Đây là kỹ thuật cơ bản mà mọi cầu thủ đều phải thành thạo. Để thực hiện ném biên, gười chơi phải đứng đúng vị trí, hai tay giữ chặt quả bóng, hai chân tuyệt đối không được nhấc lên. Bóng đưa qua đầu hơi chếch vế phía sau. Sau đó ném bóng về phía trước với lực mạnh theo hướng mong muốn.

Kỹ thuật ném biên bóng đá. (Ảnh: SGK GDTC 10)

Kỹ thuật phòng ngự trong bóng đá

Cùng với tấn công, các cầu thủ cần luyện tập kỹ thuật phòng ngữ để cướp bóng, chặn bóng và phá bóng. Một số thao tác thường được sử dụng gồm: cướp bóng từ hai phía, cướp bóng chính diện, xoạc bóng bằng một chân, xoạc bóng nghiêng từ phía sau, hoặc xoạc bóng bằng chân ngược.

Kỹ thuật phòng ngự trong bóng đá. (Ảnh: Internet)

Cách tăng cường thể lực & sự linh hoạt để cải thiện kỹ thuật đá bóng

Thể lực của cầu thủ càng tốt, sức bền càng cao thì khả năng phối hợp cùng đồng đội càng hiệu quả. Để nâng cao thể lực, người chơi nên tập các bài tập tăng cường sức mạnh đôi chân & cơ cốt lõi.

Tập luyện tăng cường thể lực trong bóng đá. (Ảnh: Internet)

  • Bài tập tăng cường đôi chân gồm: Chạy bộ, nhảy dây, bật cóc, bài tập Lunges, Squats.

  • Bài tập tăng cường sức mạnh cơ cốt lõi: Hít đất, plank, gập bụng ngược, nằm nâng tay chân, cây cầu.

Ngoài các bài tập thể lực,bạn nên bổ sung một số thực phẩm tăng cường sức khỏe như: 

  • Các loại tinh bột: Thành phần này cần chiếm 70% khẩu phần ăn gồm bánh mì, gạo, khoai tây, ngũ cốc,…

  • Trứng: Cung cấp protein dồi dào, hỗ trợ quá trình phục hồi cơ bắp của bạn sau một trận đấu.

  • Các loại cá nhiều dầu: Omega-3 trong cá có thể giúp bạn phục hồi, cho phép bạn tập luyện chăm chỉ và đều đặn hơn.

  • Cải bó xôi, củ dền: Với lượng sắt dào, 2 loại rau giúp bạn phục hồi mức năng lượng và tăng cường sinh lực. Ngoài ra, với hàm lượng cao vitamin A và K sẽ giúp giảm viêm, cải thiện sức khỏe xương và giảm cảm giác mệt mỏi.

  • Bông cải xanh: Loại thực phẩm vừa chứa nhiều protein vừa có nhiều vitamin và khoáng chất giúp phát triển cơ bắp hiệu quả. Không những vậy, bông cải xanh còn cung cấp một lượng choline lành mạnh, giúp bạn tập trung tinh thần và tập trung trong khi chơi bóng đá.

Những lời khuyên giúp bạn chơi bóng tốt hơn mỗi ngày

Dưới đây là một vài lời khuyên hữu ích mà bạn có thể áp dụng trong quá trình luyện tập giúp tăng level tốt hơn:

Lời khuyên để nâng cao trình độ chơi bóng. (Ảnh: SGK GDTC 10)

  • Chạy bằng phần đầu bàn chân để cải thiện tốc độ chạy nước rút.

  • Thường xuyên tổ chức các trận đấu nhỏ với bạn bè.

  • Bạn nên khởi động trước khi luyện tập hoặc thi đấu.

  • Chuyền bóng cho các đồng đội ở phía sau nếu phía trước bạn có quả nhiều đối phương ngăn cản.

  • Hãy chơi bóng với tinh thần đồng đội và chuyền bóng cho người khác khi họ ở vào vị trí ghi bàn dễ hơn.

  • Trước trận đấu 30 phút, hãy ăn chuối để không bị chuột rút khi đang chơi. Phân bố sức hợp lý trong trận đấu để bạn không bị chuột rút hay mất sức nhanh chóng.

Cảnh báo quan trọng để bạn chơi tốt trong đội hình chung

Để đảm bảo thể lực tốt giúp thực hiện các kỹ thuật trong đá bóng một cách chuẩn xác, bạn cần lưu ý: 

Cảnh báo để bạn chơi bóng tốt trong đội hình. (Ảnh: SGK GDTC 10)

  • Luôn uống đủ nước để tránh bị ngất xỉu. Nếu bị chấn thương nặng thì bạn cần gọi xe cứu thương ngay.

  • Nhớ quan sát không gian xung quanh để tránh vô tình sút bóng trúng cầu thủ khác.

  • Khi đội đầu, bạn nhớ phải dùng trán chạm bóng thay vì đỉnh đầu. Lạm dụng kỹ thuật đội đầu trong thời gian dài có thể gây tổn thương cho não bộ.





Song song với phát triển thể lực, ba mẹ hãy cùng con chuẩn bị kiến thức cơ bản cho bộ 3 môn quan trọng Toán – Tiếng Việt – Anh giúp bé phát triển tư duy & thể chất đồng đều. Xem trọn bộ tài liệu  

Như vậy, bạn đã nắm được 10+ kỹ thuật đá bóng cơ bản nhất trong bài viết này. Hãy kết hợp cùng các phương pháp nâng cao thể lực và duy trì chế độ luyện tập, ăn uống khoa học để có những buổi tập hiệu quả nhất. Đừng quên theo dõi Blog Tips học tập để cập nhật thêm kiến thức bổ ích về những kỹ năng mà bạn yêu thích như học đánh đàn, học hát, chơi thể thao,…!

0 ( 0 bình chọn )

Tìm Hiểu Lịch Sử Quận Cầu Giấy: Hành Trình Phát Triển và Di Sản Văn Hóa

https://timhieulichsuquancaugiay.edu.vn
Khám phá lịch sử quận Cầu Giấy qua các thời kỳ từ xưa đến nay. Tìm hiểu những di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh và câu chuyện độc đáo giúp bạn hiểu sâu hơn về một phần lịch sử Hà Nội

Ý kiến bạn đọc (0)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Bài viết mới

Xem thêm