Kiến thức tiểu học

10+ cách dạy con tự lập 0-6 tuổi, không lệ thuộc vào cha mẹ 

29

Theo nhà giáo dục Maria Montessori, 6 năm đầu đời là thời điểm vàng để dạy con tự lập. Bởi đây là giai đoạn trẻ có khả năng tự học tuyệt vời, tự thẩm thấu kiến thức như miếng bọt biển thấm hút nước. Nếu biết cách truyền động lực, thúc đẩy trẻ tự lập, con có thể phát huy tối đa tiềm năng của bản thân.

Hãy cùng timhieulichsuquancaugiay.edu.vn điểm qua 10+ cách dạy con tự lập 0-6 tuổi ngay dưới đây nhé!

Những đứa trẻ tự lập dễ thích nghi với mọi môi trường sống trong tương lai

1. Bảy lợi ích khi dạy con tự lập trong giai đoạn 0-6 tuổi

Tự lập là một trong những kỹ năng sống quan trọng của một đứa trẻ cần có.

Theo một nghiên cứu năm 2020 của tiến sĩ M. Fadlillah, dạy trẻ tự lập trong giai đoạn 0-6 tuổi là vô cùng cần thiết. Nó giúp trẻ sáng tạo, vững vàng và tự tin hơn trong cuộc sống. Ngoài ra, trẻ được giáo dục tự lập còn có xu hướng gần gũi với ba mẹ hơn.

Hãy cùng điểm qua 7 lợi ích khi dạy con tự lập trong giai đoạn này nhé!

dạy con tự lậpBảy lợi ích khi dạy con tự lập trong giai đoạn 0-6 tuổi

Trẻ tự tin, độc lập, không phụ thuộc vào cha mẹ

Trẻ tự lập có khả năng tự thực hiện được nhiều việc phù hợp với khả năng, không cần sự hỗ trợ của người lớn như: tự xúc ăn, tự vệ sinh cá nhân, tự mặc quần áo, tự học… Điều này càng khiến con chủ động, phát triển sự tự tin hơn qua từng ngày, đồng thời tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm sống, dễ dàng thích nghi trong nhiều môi trường khác nhau.

Trẻ thích nghi tốt với môi trường sống thay đổi

Nhờ khả năng tự phục vụ bản thân, trẻ tự lập nhanh chóng hòa nhập và thích nghi với mọi điều kiện của môi trường sống, nhất là khi con phải chuyển lớp, chuyển cấp hay chuyển nơi sống. Con biết tự điều chỉnh cảm xúc, không còn rụt rè, sợ hãi khi phải thay đổi để phù hợp với mọi người và hoàn cảnh.

Tính kỷ luật cao

Dạy trẻ tính tự lập còn giúp con hình thành tính kỷ luật từ bé. Qua mỗi việc tự làm, trẻ dần hiểu được tầm quan trọng của sự kiên định và nỗ lực hết sức để hoàn thành dù thích hay không. Con càng thêm kỷ luật với chính bản thân mình để đạt được kết quả tốt nhất trong học tập hay các mối quan hệ.

Rèn sự khéo léo

Cách dạy con tự lập hiệu quả nhất chính là cha mẹ hướng dẫn và làm gương cho con. Ví dụ: Khi dạy con đánh răng từ nhỏ, cha mẹ phải làm mẫu cho con hay hướng dẫn con đến cả chục lần. Bản thân trẻ cũng phải tự mình thực hiện hàng trăm lần trước khi thuần thục. Càng thực hành nhiều, con càng khéo léo và tin tưởng bản thân mình làm tốt.

Thúc đẩy tư duy

Chỉ khi con tự lập, con mới biết tự rút kinh nghiệm qua mỗi lần thực hành một công việc, biết tự kiểm soát lỗi và sửa lỗi để thành công. Cứ thế, trẻ tự lập phát triển tư duy độc lập, biết phân tích, lập luận và đưa ra quyết định hành động phù hợp và hiệu quả nhất.

Trẻ sống có mục tiêu

Theo Very Well Family, tự lập giúp trẻ biết xác định mục tiêu các hành động cho từng công việc, biết biến áp lực thành động lực để vượt qua những thách thức, thất bại. Những mục tiêu sống được hình thành từ nhỏ sẽ giúp trẻ xây dựng một bộ đệm, thúc đẩy trẻ bật nhảy cao hơn trong tương lai.

Trẻ quyết đoán và biết tự chịu trách nhiệm

Những đứa trẻ tự lập có tính quyết đoán cao. Con có thể tự ra quyết định và tự chịu trách nhiệm trước sự lựa chọn của mình hay việc mình làm. Điều này không chỉ giúp con khẳng định cá tính cá nhân mà còn hình thành khả năng tư duy độc lập, giữ vững lập trường, kiên định với lý tưởng mình theo đuổi.

Phương pháp dạy con hiệu quả

Hãy cùng timhieulichsuquancaugiay.edu.vn lắng nghe Podcast: Hướng dẫn trẻ tự lập theo phương pháp giáo dục Montessori nhé!

2.   Hành trình phát triển tính tự lập của trẻ

Các nghiên cứu về đặc điểm phát triển của trẻ nhỏ khẳng định rằng: Trẻ bắt đầu hứng thú với việc tự lập từ 1 tuổi. Hành trình phát triển sự tự lập của trẻ như một cuộc phiêu lưu kỳ diệu, được đánh dấu bởi các mốc thời gian quan trọng như sau:

dạy con tự lậpHành trình phát triển tính tự lập của trẻ từ 0 – 6 tuổi

0 – 1 tuổi: Trẻ tự do khám phá thế giới

Bản năng tự lập của trẻ chưa thể hiện rõ rệt ở thời điểm này.

Người lớn sẽ dễ dàng nhận thấy, trong giai đoạn này, trẻ bắt đầu nhận biết cơ thể của mình và các đối tượng xung quanh. Trẻ học cách giữ đồ vật và nhận biết sự thay đổi môi trường thông qua các giác quan.

1 – 2 tuổi: Trẻ bắt đầu tự lập

Trẻ tự học các di chuyển bằng việc trườn, bò, đứng dậy và tập đi. Các giác quan và hệ vận động của trẻ phát triển mạnh mẽ trong thời điểm này.

Các kỹ năng tự phục vụ cũng bắt đầu xuất hiện ở thời điểm này như cố gắng cầm và ăn bằng thìa, tự uống nước từ cốc, tự mặc quần áo đơn giản…

2 – 3 tuổi: Trẻ tự học kỹ năng sống

Trẻ thích thú với việc bắt chước người lớn và thử nghiệm các giới hạn của bản thân. Việc người lớn làm gương cho con các hành động tự lập ở thời điểm này vô cùng quan trọng. Con có thể tự quyết định lựa chọn đồ đạc cá nhân, tự vệ sinh cá nhân (rửa tay và lau khô tay, đánh răng, đi vệ sinh, tự mặc quần áo…) hay tham gia vào các hoạt động tự lập đơn giản như tự xúc ăn, lau bàn ghế, gấp quần áo, khăn ăn, chăm sóc cây xanh…

3 – 4 tuổi: Trẻ tự lập trong hoạt động nhóm

Trẻ dần biết cách hợp tác và chia sẻ công việc với bạn bè khi hoạt động nhóm tại lớp hoặc trong chính gia đình mình. Người lớn có thể dạy trẻ tính tự lập trong quản lý thời gian, tự chủ trong việc tham gia vào các trò chơi, tương tác hiệu quả với bạn bè…

4 – 5 tuổi: Trẻ tự phát triển ý thức, tự quản lý thời gian và lập kế hoạch hoạt động cá nhân

Trẻ thể hiện sự tự chủ trong việc làm những nhiệm vụ cụ thể, như tự rửa mặt, đánh răng, tự chải đầu, tự chuẩn bị đồ dùng học tập trước khi tới trường… Các con dần hình thành ý thức độc lập, chủ động và kỹ năng quản lý cảm xúc.

5 – 6 tuổi: Trẻ càng tự lập trong học tập

dạy con tự lập5 – 6 tuổi: Trẻ càng tự lập trong học tập

Tính tự lập của trẻ ở giai đoạn này phát triển mạnh mẽ nếu con được trao quyền làm chủ mọi hoạt động của riêng mình. Nổi bật nhất trong giai đoạn này chính là việc trẻ có thể phát triển kỹ năng tự học một cách tối đa nhất và hiệu quả nhất. Con có thể tự sắp xếp thời gian học tập, độc lập hơn trong việc học, tự đọc sách, tự chơi mà không cần sự hỗ trợ của người lớn.

Hành trình tự lập của trẻ bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất trong những năm đầu đời. Trong suốt hành trình ấy, sự quan tâm, hướng dẫn, hỗ trợ từ người lớn sẽ giúp con tự tin hơn khi đối mặt với khó khăn để phát triển sự độc lập từ nhỏ.

3.   10+ cách dạy con tự lập, không phụ thuộc vào ba mẹ

Là cha mẹ, có người chọn chở che, bao bọc, hỗ trợ con từ những việc nhỏ nhất, có người lại chọn cách cho con tự do phát triển, độc lập ngay từ 0 – 6 tuổi. Dù lựa chọn cách nào thì người lớn vẫn nên tạo điều kiện cho con tự lập để trưởng thành. Nuôi con không còn là cuộc chiến nếu cha mẹ chọn 10+ cách dạy con tự lập từ nhỏ dưới đây:

dạy con tự lập10 cách dạy con tự lập từ 0 – 6 tuổi

Tôn trọng, tin tưởng trẻ như một người trưởng thành

Theo phương pháp Montessori, trong giai đoạn mầm non, trẻ luôn có nhu cầu được tôn trọng như một người trưởng thành, độc lập, có chính kiến. Đó là lý do khi dạy trẻ tính tự lập, cha mẹ cần thể hiện sự tôn trọng cá tính, năng lực, sở thích của con, tự tin trao quyền làm chủ cho con.

Ví dụ: Con có thể tự lựa chọn cuốn sách con đọc, màu sắc quần áo, món ăn con yêu thích mỗi ngày. Con có thể đồng ý hoặc không đồng ý với đề nghị hay sự hỗ trợ của người lớn, được phép chọn tham gia hoặc không tham gia vào công việc bạn muốn…

Ngay cả khi trẻ từ chối yêu cầu của cha mẹ, không muốn tự mình thực hiện công việc, muốn nghỉ ngơi hoặc quan sát cha mẹ… đừng vội tỏ ra bực bội hay không hài lòng. Hãy tôn trọng quyết định của trẻ ở mọi thời điểm. Đồng thời, người lớn có thể dành thời gian trò chuyện, chia sẻ với trẻ và giải thích cho trẻ hiểu tại sao mình đưa ra yêu cầu như vậy.

dạy con tự lậpTôn trọng, tin tưởng trẻ như một người trưởng thành

Hay khi trẻ làm việc, cha mẹ hãy lùi lại quan sát, hỗ trợ con khi con đề nghị hoặc chỉ can thiệp khi con gặp nguy hiểm, tránh tác động thô bạo và hoạt động của con, làm con mất tập trung.

Khi người lớn thể hiện sự tôn trọng và đặt niềm tin ở trẻ, trẻ không chỉ có thêm động lực, sẵn sàng tự lập hơn mà còn trở nên dễ đồng cảm và thấu hiểu với những suy nghĩ, lời nói và hành động của cha mẹ.

Dạy con những kỹ năng sống cơ bản

Để dạy trẻ tính tự lập từ 0-6 tuổi, hãy bắt đầu từ việc hướng dẫn con những kỹ năng sống cơ bản nhất.

dạy con tự lậpBa mẹ có thể dạy trẻ những kỹ năng tự phục vụ như vắt nước cam, vặt rau, gấp quần áo…

  • Kỹ năng tự phục vụ như: tự vệ sinh cá nhân (đánh răng, rửa mặt), tự xúc ăn, chuẩn bị bàn ăn, dọn bàn ăn sau khi ăn xong, tự mang giày dép, tự đi ngủ, tự mặc quần áo, tự lấy/cất đồ chơi đúng chỗ, tự cho quần áo bẩn vào máy giặt, tự dọn dẹp không gian sống, tự chuẩn bị đồ đạc trước khi tới trường…
  • Kỹ năng giao tiếp, ứng xử lịch sự, nhã nhặn như: ăn nói lễ phép, chào hỏi người lớn, tạm biệt thầy cô, bạn bè khi tan học, nhường nhịn em nhỏ, giúp đỡ người già…
  • Kỹ năng chia sẻ, giúp đỡ người khác như: giúp ba mẹ làm việc nhà, chuẩn bị bàn ăn, rửa rau, củ, quả, phụ mẹ xách đồ đạc, giúp ông bà chăm sóc cây xanh…
  • Kỹ năng quản lý thời gian như: lên lịch trình sinh hoạt hàng ngày (giờ thức dậy, giờ đi ngủ, giờ vui chơi, ăn uống, đọc sách…)
  • Kỹ năng phòng tránh nguy hiểm như: không thò tay vào ổ điện, không chơi ở ban công, không nghịch dao kéo sắc nhọn, từ chối quà tặng của người lạ…
  • Kỹ năng tham gia giao thông an toàn như: đi bộ trên vỉa hè, sang đường khi có đèn tín hiệu màu xanh và đi theo vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, tuyệt đối không vượt đèn đỏ, nghiêm túc chấp hành luật giao thông đường bộ…

Nhờ những kỹ năng sống cơ bản nêu trên, trẻ dần học được cách độc lập, chủ động trong cuộc sống. Từ đó, dù ở bất cứ môi trường nào, con đều có khả năng thích nghi, hòa nhập nhanh, sẵn sàng cho sự thay đổi trong mọi điều kiện.

Xây dựng bảng phân công việc nhà

Một trong 10+ cách dạy con tự lập từ nhỏ còn phải kể đến việc mời gọi con tham gia vào các công việc nhà. Đây không chỉ là cơ hội để trẻ thực hành tính tự lập mà còn giáo dục ý thức trách nhiệm trước công việc chung cho trẻ. Từ đó, khi sống trong một tập thể, trẻ vẫn có thể tiếp tục duy trì những thói quen sinh hoạt tốt, biết giúp đỡ và sẻ chia việc chung với mọi người để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Để làm được điều đó, hãy bắt đầu từ trò chuyện cùng con về nhóm công việc nhà con có thể đảm nhận và cùng xây dựng bảng phân công thực hiện cho tất cả thành viên trong gia đình.

Với bảng phân công việc nhà, cha mẹ sẽ quy định rõ đâu là công việc của cha, công việc của mẹ và đâu là công việc cả trẻ. Ví dụ: Mẹ sẽ nấu cơm, cha rửa bát, bé sẽ hỗ trợ mẹ nhặt rau, chuẩn bị bàn ăn, thu dọn đồ ăn thừa sau khi ăn xong… Hay mẹ dọn dẹp phòng khách, cha dọn nhà vệ sinh, còn bé sẽ hỗ trợ mẹ lau bàn, ghế…

Một số gợi ý về bảng phân công việc nhà cho bé theo độ tuổi:

  • 2 – 3 tuổi: dọn cơm, quét dọn góc nhỏ của bé, lau bàn ăn…
  • 4 – 5 tuổi: lau chùi đồ đạc, gấp khăn ăn, chuẩn bị bàn ăn, rửa chén, đĩa nhỏ
  • Trên 5 tuổi: phụ mẹ nấu ăn đơn giản, quét nhà góc rộng, cho thú cưng ăn, chăm em…

Giảm nhẹ yêu cầu, động viên, khích lệ trẻ

Để thúc đẩy tính tự lập trong con, người lớn nên hạn chế tối đa sự áp đặt, chê bai hay tỏ thái độ không hài lòng (cau mày, nhăn mặt) khi trẻ làm sai, làm chưa đúng ý… Bởi trẻ nhỏ còn non nớt, dễ bị tổn thương. Chỉ một câu “con vẽ xấu quá”, “con không làm được việc gì cả” cũng đủ làm trẻ chán nản, buồn rầu và mất niềm tin ở bản thân.

Thay vào đó, cha mẹ có thể khích lệ con bằng những lời động viên, ghi nhận thành quả trẻ đạt được hay trao con niềm tin dù con thành công hay thất bại. Một câu nói “Cha mẹ tin ở con. Con sẽ làm được” hay “Cố lên con nhé!”… chính là nguồn động lực to lớn để con luôn biết cố gắng, nỗ lực đi lên và hạn chế những suy nghĩ tiêu cực.

Tạo môi trường gần gũi, an toàn

Một trong những cách dạy con tự lập từ 0-6 tuổi chính là tạo môi trường gần gũi, an toàn để con phát huy sự tự tin và và khả năng thực hành tính tự lập.

Ngay tại gia đình, cha mẹ hãy tạo cho trẻ một không gian ngăn nắp và trật tự, sử dụng các đồ dùng gần gũi với thiên nhiên từ gỗ, vải, các loại hạt… nhằm hạn chế tối đa nguy hiểm cho trẻ. Người lớn có thể tạo một phòng chơi riêng cho con – Nơi có những món đồ chơi, cuốn sách con yêu thích. Con được chủ động mọi thứ như sắp xếp cái gì, ở đâu, có thể sử dụng tất cả mọi thứ khi chơi… Khi con được làm chủ không gian của mình, con sẽ độc lập hơn, sáng tạo hơn và tránh xa các thiết bị điện tử.

Ngoài ra, cha mẹ có thể phân chia rõ ràng các khu vực không gian trong nhà để trẻ biết đâu là góc chơi tự do, đâu là nhà bếp, đâu là phòng khách… Đồng thời, bạn cũng nên đặt ra các nguyên tắc sử dụng không gian khoa học và hiệu quả nhất để trẻ hiểu và tuân thủ. Ví dụ: bữa sáng ăn ở bàn ăn, xem tivi ở phòng khách, đi ngủ ở phòng ngủ, đọc sách ở sofa phòng khách, phòng chơi tự do của con, giày dép để ở tủ giày, quần áo phơi khô phải gấp gọn gàng và để vào tủ quần áo…

Làm gương cho trẻ thói quen tự lập

Trẻ 0-6 tuổi có khả năng bắt chước tuyệt vời. Trẻ có thể bắt chước ngôn ngữ, hành động, cử chỉ của bạn nếu bạn lặp đi lặp lại trước mắt trẻ. Bởi vậy, cách dạy trẻ tự lập tốt nhất chính là làm gương cho trẻ thói quen tự lập ngay trong chính gia đình mình.

Những hành động đơn giản mà người lớn có thể làm gương cho trẻ như: tự vệ sinh cá nhân, tự dọn dẹp không gian sống cá nhân, tự đọc sách, làm việc, không ỉ lại, cố gắng hết sức trong công việc…

Làm cùng con, chơi cùng con

Những đứa trẻ thường tỏ ra phấn khích và thích thú gấp bội khi thấy ba mẹ cùng làm việc với chúng, cùng chơi với chúng.

Khi cha mẹ bỏ điện thoại xuống, chơi cùng con, làm việc cùng con, trẻ sẽ cảm nhận được cha mẹ luôn dành thời gian cho mình, đồng hành cùng mình trong từng hoạt động nhỏ. Trẻ cũng dễ dàng quan sát để bắt chước những thói quen tốt về ngôn ngữ, cử chỉ, hành động và suy nghĩ của người lớn.

Bên cạnh đó, sự hiện diện và giao tiếp của cha mẹ suốt thời gian chơi, làm việc cùng con sẽ càng thúc đẩy động lực tự lập trong trẻ hơn bao giờ hết.

Xây dựng nguyên tắc sử dụng thiết bị công nghệ

dạy con tự lậpHãy dạy con thói quen sử dụng thiết bị công nghệ lành mạnh

Các nghiên cứu về sự phát triển của trẻ cho rằng: Trẻ càng xem tivi và sử dụng smartphone nhiều càng bị phụ thuộc vào công nghệ, lười vận động, khiến con trì trệ, suy giảm trí nhớ, ít giao tiếp, kết nối với mọi người xung quanh… Vì vậy, thay vì sử dụng thiết bị công nghệ như một công cụ để dỗ dành trẻ, khiến trẻ nghe lời cha mẹ, hãy sử dụng chúng một cách hữu ích.

Cha mẹ nên cùng trẻ xây dựng nguyên tắc sử dụng tivi, điện thoại như: quy định thời gian phù hợp mà con có thể xem tivi, điện thoại, quy định các kênh, chủ đề trên mạng mà con có thể xem, cùng con tuân thủ thực hiện các nguyên tắc đã đề ra…

Hãy là cha mẹ bản lĩnh và hiểu biết

Những quan niệm về dạy con tự lập luôn khác nhau ở mỗi giai đoạn. Người lớn không thể duy trì hay cổ xúy cho tư tưởng bao bọc con cái quá mức từ thời xa xưa. Trong hành trình dạy con tự lập, bản thân ba mẹ cũng phải là những người hiểu biết và bản lĩnh. Hiểu biết khi lựa chọn đúng phương pháp dạy con để phát huy tinh thần tự lập của trẻ từ khi còn nhỏ. Bản lĩnh nằm ở chỗ không dao động trước những quan niệm cũ kỹ, đùm bọc con vô độ.

Người lớn hãy tạo cho mình thói quen hành động trong suốt quá trình dạy trẻ tự lập như kiên nhẫn chờ đợi con thực hiện, dành thời gian lắng nghe con chia sẻ, thường xuyên động viên, khích lệ con, hướng dẫn con từng cách xử lý, giải quyết vấn đề theo hướng tích cực, hỗ trợ khi con cần… Cứ thế, cha mẹ trở thành người bạn thân thiết, thấu hiểu những suy nghĩ, lời nói, hành động của trẻ để đồng hành, giúp con tự lập từ 0-6 tuổi.

Thể hiện tình yêu với trẻ mỗi ngày

dạy con tự lậpThể hiện tình yêu với trẻ mỗi ngày

Dạy trẻ tính tự lập không đơn thuần chỉ là dạy trẻ kỹ năng sống mà còn cách để cha mẹ tạo dựng mối quan hệ gắn kết, yêu thương và thấu hiểu với con cái. Hãy bày tỏ tình cảm với con mỗi ngày bằng những câu nói yêu thương mỗi ngày, những lời động viên, khích lệ, bằng những cái ôm ấm áp khi con biết tự thực hiện một công việc gì đó hay những lời chào buổi sáng, lời chúc ngủ ngon mỗi tối… Tình yêu thương vô điều kiện của ba mẹ sẽ là điểm tựa vững chắc để con tin tưởng bản thân hơn, tự giác hơn trong việc học và các công việc hàng ngày của mình, từ đó xây dựng tính tự lập từ 0-6 tuổi.

Có thể thấy, mỗi đứa trẻ sinh ra luôn có sẵn trong mình năng lực tự lập, tự học tuyệt vời. Nếu cha mẹ chấp nhận cá tính riêng biệt của chúng, trao quyền cho chúng, tôn trọng và tạo điều kiện để con tự do phát triển, chúng sẽ trở thành những em bé tự lập trong hạnh phúc. Hy vọng 10+ cách dạy con tự lập nêu trên hữu ích với cha mẹ.

 

Ba mẹ cùng tìm hiểu thêm

0 ( 0 bình chọn )

Tìm Hiểu Lịch Sử Quận Cầu Giấy: Hành Trình Phát Triển và Di Sản Văn Hóa

https://timhieulichsuquancaugiay.edu.vn
Khám phá lịch sử quận Cầu Giấy qua các thời kỳ từ xưa đến nay. Tìm hiểu những di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh và câu chuyện độc đáo giúp bạn hiểu sâu hơn về một phần lịch sử Hà Nội

Ý kiến bạn đọc (0)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan

Bài viết mới

Bức tranh tô màu bánh sinh nhật

1 giờ 7 phút trước 3

Xem thêm